Quy trình lắp đặt và sửa chữa sàn gỗ

Để có được một không gian nội thất sàn gỗ chắc chắn, đảm bảo được độ ổn định và tính thẩm mỹ cao, đòi hỏi phải có một quy trình thi công, lắp đặt sàn gỗ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi khi có sự cố hư hỏng sàn gỗ do thấm nước, nở phồng thì cũng cần phải có đội ngũ thi công sửa chữa theo đúng những chuẩn quy định thì mới đảm bảo được độ bền, đẹp cho sàn nhà.

Nhằm giúp quý khách hàng có cái nhìn tổng quan, sâu rộng hơn về vấn đề này, Chúng tôi xin giới thiệu đến quý khách quy trình thi công, lắp đặt và sữa chửa sàn gỗ theo chuẩn quy định của sàn gỗ.

1.  Những lưu ý trước khi tiến hành lắp đặt sàn gỗ

-         Cần vận chuyển tất cả những sản phẩm sàn gỗ cần sử dụng đến địa điểm lắp đặt trước tối thiểu 24h để chúng thích nghi với môi trường.

-         Cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết trong quá trình thi công, lắp đặt sàn gỗ.

-         Việc lắp đặt sàn gỗ cần được tiến hành trong không gian có nhiệt độ tối thiểu là 19° C, nhiệt độ bề mặt thi công tối thiểu là 16° C. Độ ẩm cũng cần dao động trong khoảng từ 50% – 75%.

-         Cần tiến hành kiểm tra, chỉnh sửa đảm bảo mặt sàn có độ phẳng cao, không gồ ghề, không lồi lõm. Tường phẳng, chân tường phải vuông góc với mặt sàn, cửa thấp hơn sàn. 

-         Cần chú ý lát những ván sàn gỗ theo chiều song song với nguồn ánh sáng để nổi bật vẻ đẹp màu sắc, vân gỗ của sàn gỗ.

-         Cần tính toán thật kỹ độ rộng của hàng gỗ lát cuối cùng, sao cho độ rộng tối thiểu với chân tường hay vật chắn là 7 mm.

-         Không được cố định sàn gỗ bằng bất kỳ cách nào,

-         Tránh dùng búa trực tiếp lên sàn gỗ mà nên dùng một miếng gỗ đệm ở giữa, tránh làm hỏng mép của sàn gỗ

 2.   Quy trình thi công, lắp đặt sàn gỗ

        –  Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ bề mặt nền nhà

Làm sạch bề mặt sàn nhà, đảm bảo độ phẳng tuyệt đối cho mặt sàn, không được để sự tồn tại của cát sạn trên bề mặt sàn.

        – Bước 2: Trải lớp lót sàn

Tiến hành trải lớp lót (còn gọi là lớp xốp PE, lớp này có độ dày khoảng  2mm đối với sàn gỗ công nghiệp và 3mm đối với sàn gỗ tự nhiên) cho sàn nhà trước khi tiến hành lắp đặt sàn gỗ. Lớp lót này có tác dụng hút ẩm, chống ồn, tạo độ êm ái cho bề mặt sàn gỗ sau khi lót. Lưu ý cần xoay bề mặt tráng nilong (hoặc giấy bạc) quay xuống dưới, dư ra khoảng 40 mm về phía chân tường (chúng sẽ được che bởi lớp len tường). Mối nối giữa hai miếng xốp sẽ được dán bằng băng keo.

        – Bước 3: Lắp đặt sàn gỗ

Đối với sàn gỗ công nghiệp ta chỉ cần lắp đặt theo đúng rãnh khóa của chúng còn đối với sàn gỗ tự nhiên thì cần dùng thêm keo sữa trong quá trình lắp đặt. Có nhiều cách lắp đặt khác nhau như: lắp theo kiểu 1 – 2 (đẹp mắt nhưng độ hao hụt cao), theo kiểu 1 – 2 – 3, kiểu 1 – 2 – 3 – 4 (ít bị hao hụt), kiểu xương cá (độ thẩm mỹ cao nhưng mất nhiều thời gian lắp hơn những kiểu khác)…

Việc lắp đặt tấm sàn gỗ thứ nhất được bắt đầu từ phía góc trái của căn phòng cứ thế nối tiếp nhau từ trong ra ngoài cho đến khi hoàn thành. Lưu ý khoảng cách giữa hàng lát sau cùng này cần giữ khoảng cách với chân tường tối thiểu 7- 10 mm, để tạo sự giản nở cho sàn gỗ và tiện cho việc thi công sửa chữa khi có sự cố hư hỏng. Hàng đầu tiên này sẽ làm chuẩn cho những hàng tiếp theo nên cần được lắp thẳng hàng, chắc chắn.

Tấm thứ hai được lắp sao cho khớp với rãnh của tấm sàn gỗ thứ nhất. Để sàn gỗ được khít và chặt nên ấn mạnh xuống mặt sàn hoặc có thể cùng búa kèm theo miếng đệm lót gõ cho chặt lại. Nếu đã đảm bảo chắc chắn thì mới có thể tiến hành lót tấm sàn gỗ tiếp theo cho đến khi hoàn thành.

Lắp tấm sàn gỗ đầu tiên của hàng thứ hai bằng cách đặt khớp với rãnh của hàng thứ nhất, dùng búa và miếng lót đệm gõ nhẹ vào theo chiều dọc và chiều ngang cho khớp và chặt với hàng thứ nhất. Cứ thế tiến hành cho đến khi kết thúc.

Tùy theo cách lắp đặt mà cần có sự tính toán tỉ mỉ để lắp đặt nên sàn nhà có độ khít, độ chắc chắn và vẻ đẹp thẩm mỹ.

         - Bước 4: Lắp đặt các phụ kiện sàn gỗ

+ Ở mối nối kết thúc với chân tường thì dùng len chân tường hoặc nẹp kết thúc. Mối nối kết thúc với mép cửa cần dùng nẹp kết thúc. Tại vị trí chuyển màu sàn gỗ, chuyển đổi vật liệu lát khác nhau nên dùng nẹp nối chữ T.

+ Lắp len (phào) chân tường: phổ biến là len gỗ MDF với thiết kế vân gỗ đẹp mắt, len nhựa, len gỗ tự nhiên. Len chân tường có tác dụng giúp cố định chắc chắn mép kết thúc sàn gỗ, che khe hở với chân tường tạo nét đẹp cho bề mặt sàn. Len chân tường này sẽ được cố định bằng đinh chuyên dụng vào tường nhà.

         - Bước 5: Vệ sinh sạch sẽ không gian

Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn trên, sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể chất lượng và vệ sinh, thu dọn những rác bẩn và bàn giao lại cho gia chủ.